De Heus Ủng Hộ Việc Sử Dụng Đậu Nành Bền Vững Ở Châu Âu
Tại Hà Lan, kể từ năm 2015, De Heus đã sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp bằng cách sử dụng đậu nành một cách có trách nhiệm. Với việc ký kết Công ước FEFAC về “Sử dụng đậu nành bền vững”, De Heus đang có một bước tiến quan trọng hướng tới việc sử dụng đậu nành tự trồng một cách có trách nhiệm để sản xuất thức ăn hỗn hợp trong các nhà máy của mình đặt tại Ba Lan, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc Bồ Đào Nha và Slovakia. Công ước quy định tất cả các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Liên minh Châu u phải hiện thực hóa việc sử dụng đậu nành bền vững trong thức ăn hỗn hợp, chậm nhất vào năm 2025.
Koen de Heus, Giám đốc điều hành của De Heus, giải thích tại sao việc chuyển sang sử dụng đậu nành một cách có trách nhiệm, đối với ông, là điều quan trọng:
Tại sao De Heus lại cân nhắc việc chuyển sang sử dụng đậu nành một cách có trách nhiệm khi sản xuất thức ăn hỗn hợp trong các nhà máy của mình ở Liên minh Châu Âu?
"Chúng ta đều biết rằng dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng lên. Những người này cần được tiếp cận với nguồn thực phẩm an toàn và lành mạnh. Vì lẽ đó, thế giới phần lớn phụ thuộc vào nông nghiệp và chăn nuôi. Chúng tôi dự đoán nhu cầu tiêu thụ protein động vật (sữa, thịt, trứng và cá) trên toàn thế giới sẽ tăng 70% trong 30 năm tới. Điều này có nghĩa là chúng ta cần nhấn mạnh việc sản xuất lương thực bền vững nhất có thể. Do vậy, chúng tôi đã nỗ lực để đạt được thỏa thuận về việc sử dụng đậu nành bền vững trên toàn Liên minh Châu Âu thông qua FEFAC (Liên hiệp các Nhà sản xuất Thức ăn chăn nuôi Châu Âu). Điều này dẫn tới việc ký kết Công ước về Sử dụng đậu nành bền vững mới đây.”
Đâu là động lực chính dẫn đến cam kết sử dụng đậu nành bền vững?
“Chúng tôi nhận thấy sự bền vững càng ngày càng trở nên quan trọng. Trong chính tập đoàn của chúng tôi, đối với các khách hàng của chúng tôi và với phần còn lại của xã hội. Bản thân chúng tôi đã và đang nỗ lực từng bước nhằm giảm thiểu tác động đến khí hậu và môi trường. Tại Hà Lan, chúng tôi bắt đầu chuyển sang sử dụng đậu nành bền vững trong thức ăn chăn nuôi hỗn hợp vào năm 2015. Đây là thời điểm phù hợp để tiến hành động thái này ở các quốc gia châu Âu khác, nơi chúng tôi đang hoạt động. Trong khuôn khổ FEFAC, chúng tôi đã thiết lập các tiêu chí cho các chương trình về sử dụng đậu nành bền vững. Những tiêu chí này được gọi là “Cẩm nang tìm kiếm nguồn đậu nành bền vững”, quy định cách chúng ta giải quyết các vấn đề môi trường. Nhưng trong đó cũng có những đoạn nói về các điều kiện làm việc, các phương pháp canh tác tốt và việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng.”
Đó là một giao ước với sự tham gia tự nguyện. Ông có nghĩ rằng tất cả các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở châu Âu sẽ tham gia không?
“Giao ước được soạn thảo với sự cẩn trọng tối đa. Cùng với đó là sự phối hợp liên tục với các nhóm lợi ích quốc gia. Chúng tôi hy vọng rằng đến cuối cùng, tất cả các bên sẽ tuân thủ những nguyên tắc chỉ dẫn của giao ước.”
Tầm quan trọng của tính bền vững có tăng lên ở các quốc gia khác hay không?
"Tất nhiên sẽ có sự khác biệt giữa các quốc gia mà chúng tôi đang hoạt động. Đối với các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu, nhìn chung, tính bền vững là chủ đề ngày càng được thảo luận nhiều. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là nhu cầu sử dụng đậu nành bền vững là như nhau ở tất cả các quốc gia. Ở những quốc gia có nhu cầu thấp hơn, chúng tôi có thể đóng một vai trò nào đó bằng cách đưa việc sử dụng đậu nành bền vững vào trong chương trình nghị sự. Các đồng nghiệp của chúng tôi ở những quốc gia này cũng rất hào hứng với những đóng góp mà chúng tôi có thể thực hiện để cải thiện hơn nữa tính bền vững của nông nghiệp và chăn nuôi.”
Phải chăng Châu Âu sẽ ngày càng cung ứng thêm nhiều đậu nành hơn?
“Chắc chắn điều này là có thể. Với việc sử dụng đậu nành được trồng ở châu Âu, chúng tôi góp phần hạn chế số lần vận chuyển không cần thiết. Việc làm này cũng hạn chế lượng khí thải carbon. Nhưng nó không phải là lựa chọn tốt nhất. Chúng tôi cho rằng cây trồng nên được trồng ở những nơi có điều kiện tốt nhất. Năng suất đậu nành trên một héc-ta ở châu Âu thường thấp hơn đáng kể so với những vùng có điều kiện khí hậu thuận lợi hơn. Do đó, nguyên liệu thô được thu mua trong khu vực cũng không phải lúc nào cũng bền hơn nguyên liệu từ các vùng xa hơn. Nếu chúng tôi sử dụng đất ở châu Âu để trồng đậu nành, trong khi loại đất đó thực sự phù hợp hơn đối với các mặt hàng khác, thì việc nhập khẩu đậu nành có thể lâu bền hơn. Công ước đảm bảo rằng việc nhập khẩu cũng sẽ trở nên bền vững hơn. Điều này có lợi cho các nước ở Nam Mỹ, nơi sản xuất rất nhiều đậu nành.”
Ông có nỗ lực sử dụng các nguyên liệu thô khác bền vững hơn không?
“Có chứ. Đương nhiên rồi. Chúng tôi cố gắng tận dụng các nguồn dư thừa từ ngành công nghiệp thực phẩm càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn bằng cách sử dụng các nguyên liệu thô như bột củ cải đường và bã cam quýt. Khoảng 65% nguyên liệu thô mà chúng tôi sử dụng đến từ nguồn dư từ ngành công nghiệp thực phẩm. Ngoài ra, chúng tôi có một nhóm chuyên gia hỗ trợ những người chăn nuôi (đặc biệt là người chăn nuôi heo) sử dụng tối ưu các nguồn dư để chăn nuôi vật nuôi của mình. Thông qua việc tái sử dụng các nguồn dư từ ngành công nghiệp thực phẩm, chúng tôi góp phần cải thiện hơn nữa tính tuần hoàn của nguyên liệu thô và đóng lại chu trình khoáng chất.
Khi nào tất cả các nhà máy của De Heus ở Châu Âu sẽ sử dụng đậu nành bền vững?
"Theo Công ước,chúng tôi thống nhất muộn nhất là năm 2025. Tuy vậy, De Heus sẽ cố gắng tiến hành chuyển đổi này nhanh nhất có thể ”
Ông cũng sẽ sử dụng đậu nành bền vững bên ngoài Liên minh Châu Âu chứ?
"Bên ngoài Liên minh châu Âu, các cuộc tranh luận về nguồn gốc của nguyên liệu thô diễn ra ít hơn. Tuy vậy, chúng tôi nhận thức được rằng việc sử dụng nguyên liệu thô trên toàn thế giới sẽ phải trở nên bền vững hơn trong những năm tới để giảm thiểu tác động đến khí hậu và môi trường. Điều này có nghĩa là chúng tôi cũng sẽ đưa việc chuyển đổi sang các nguồn tài nguyên bền vững hơn vào chương trình nghị sự ở các quốc gia này.”