De Heus Tiên Phong Nghiên Cứu Thủy Sản Ở Khu Vực Đồng Bằng Sông Cửu Long

16 tháng 8 2021
-
4 minutes

Một trong những thách thức lớn nhất trong việc sản xuất thức ăn thủy sản ngày nay là biết được chính xác nhu cầu dinh dưỡng của các loài cá và tôm nuôi khác nhau. Đó là lý do tại sao Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển ở đồng bằng sông Cửu Long của De Heus đang tiến hành thu thập những dữ liệu quan trọng giúp tìm ra cách chuyển đổi hiệu quả thức ăn chăn nuôi thành đạm động vật. Bằng cách tối ưu hóa hiệu quả của thức ăn thủy sản, người chăn nuôi trên toàn thế giới có thể nuôi trồng tôm và cá khỏe mạnh hơn với chi phí hợp lý hơn.

So với chăn nuôi gia súc, có khá ít người hiểu rõ vai trò của thức ăn thủy sản và cách cho ăn trong nuôi trồng thủy sản. Vào năm 2017, sự thiếu hụt kiến thức đó đã đem đến thách thức cho De Heus, nhưng cũng là cơ hội để hiểu rõ hơn về quá trình tiêu hóa thức ăn. Ông Jesper Clausen - Giám đốc Hỗ trợ Dinh dưỡng Thủy sản De Heus châu Á - chia sẻ: “Bởi không thể dựa vào các thông tin mang tính học thuật cao trước đây, chúng tôi đã tự mình thực hiện hầu hết nghiên cứu. Nhờ đó, chúng tôi tạo ra được lợi thế cạnh tranh khi hiểu được chính xác mong đợi của người chăn nuôi đối với các sản phẩm thức ăn thủy sản và giúp họ tin dùng sản phẩm hơn.” Các nghiên cứu được thực hiện đều rất đột phá nên thu hút sự quan tâm từ giới nghiên cứu cũng như các nhà cung cấp của De Heus. “Trên thực tế, chúng tôi hợp tác với các trường đại học ở Hà Lan và ở nhiều nước khác nhau trên thế giới, đây là cơ hội để chúng tôi chia sẻ quan điểm của mình với họ.”

Vị trí của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển được De Heus lựa chọn một cách có chiến lược: Môi trường nước ở khu vực sông Cửu Long có chất lượng và thành phần tương tự với các vùng nước ở các thị trường mà chúng tôi có mặt. “Điều này giúp chúng tôi tiến hành các thử nghiệm trong điều kiện gần giống với thị trường và so sánh kết quả với những thử nghiệm trong thị trường thực tế. Chúng tôi chủ yếu làm việc với những loài sống ở vùng nước ấm, vì vậy việc đảm bảo các nghiên cứu sát với tình hình của khách hang địa phương rất có ích.” Do công tác nghiên cứu ở Việt Nam được thực hiện trên nhiều loại giống khác nhau nên kết quả có thể áp dụng với hệ thống nuôi trồng thủy sản trên khắp thế giới.

Giảm tiêu tốn tài nguyên, tăng cao sản lượng, người chăn nuôi hạnh phúc

Phần lớn nghiên cứu tại Trung tâm tập trung vào khả năng tiêu hóa thức ăn của các loài cá khác nhau. Ông Jesper cho biết: “Bằng cách nhìn vào khả năng tiêu hóa nguyên liệu thô, chúng tôi biết chính xác cá cần ăn gì để khỏe mạnh và phát triển tốt. Chúng tôi đang tìm cách sản xuất thức ăn tốt nhất trong điều kiện sử dụng ít tài nguyên nhất có thể. Do đó, nguyên liệu thô được dùng phải đạt chất lượng tốt nhất và có giá trị dinh dưỡng cao.” Hiệu quả của việc sử dụng thức ăn đạt chuẩn được thể hiện rõ ràng trong hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR). FCR càng thấp có nghĩa là người chăn nuôi sẽ đạt sản lượng cá càng cao với cùng một lượng thức ăn. “Chúng tôi có thể thấy được sự cải tiến rõ ràng ở các trang trại - FCR giảm từ 1,5 xuống 1,2 kg thức ăn để đạt mỗi kg cá nuôi. Điều này thực sự có ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người chăn nuôi,” ông Jesper vui mừng chia sẻ. “Tôi cảm thấy rất phấn khích khi nói chuyện với những người chăn nuôi, họ cứ muốn “nhậu” với tôi vì sản lượng quá tốt.” Hơn nữa, tăng hiệu quả trên diện rộng không chỉ giúp giảm chi phí cho người chăn nuôi mà còn giảm lượng khí CO2 thông qua chuỗi giá trị.

Tìm kiếm cơ hội mới

Ông Jesper nói thêm: “Hiểu rõ hơn về quá trình chuyển hóa dinh dưỡng giúp cho việc cung cấp thức ăn chất lượng cho người chăn nuôi dễ dàng hơn, việc sử dụng nguyên liệu có trách nhiệm hơn, hỗ trợ giảm thiểu tác động lên môi trường.” Để giảm tác động tổng thể từ việc sản xuất thức ăn thủy sản, trung tâm nghiên cứu đã và đang tiến hành thí nghiệm với nhiều giải pháp nguyên liệu khác nhau, ví dụ như những loại nguyên liệu có thể thay thế cho bột đậu nành hay bột cá. Ông Jesper chỉ rõ: “Bột đậu nành là một nguyên liệu rất quan trọng của thức ăn nuôi trồng thủy sản, và khi giá cả tăng lên, nó thực sự có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận. Đây quả thực là một vấn đề rất nan giải.”

Bên cạnh đó, ông Jesper cho biết việc tận dụng nhiều chất dinh dưỡng có nguồn gốc địa phương hơn là điều cần làm trong tương lai, và ông tin rằng ta đang có nhiều cơ hội đó. “Khi xem xét các giải pháp cục bộ ở Việt Nam, chúng tôi nhận ra cơ hội tận dụng các sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất lúa gạo bởi Việt Nam là một thị trường sản xuất lúa gạo lớn. Cụ thể, chúng tôi có thể tận dụng vỏ trấu và cám gạo trích ly. Đó có thể là nguyên liệu tốt thay thế cho đậu nành, nhưng dù sao nghiên cứu cũng mới chỉ ở những bước đầu.”

Ngoài ra, chúng tôi còn nhìn thấy những giải pháp bền vững ở các lĩnh vực khác. “Giải pháp mà tôi thấy có nhiều triển vọng nhất là côn trùng,” ông Jesper chia sẻ một cách đầy phấn khích. Mặc dù ngành đạm từ côn trùng còn cần phải giải quyết các vấn đề về chi phí và khả năng mở rộng sản xuất, nó vẫn có những ưu điểm nhất định. Côn trùng là một nguồn nguyên liệu bền vững, chúng làm tăng giá trị của lượng chất thải. Chất lượng của thức ăn làm từ côn trùng cũng rất ổn định và tương đối dễ sản xuất. Hơn nữa, đó là một phần tự nhiên trong chế độ ăn uống của nhiều loại cá, do đó chúng có thể tiêu hóa nhanh hơn.

Cá khỏe mạnh - một số kiến thức phòng ngừa và thực tiễn

Quản lý chất lượng nước là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với sức khỏe của vật nuôi, việc hiểu rõ cách các nguyên liệu có trong thức ăn ảnh hưởng đến việc tiêu hóa của cá như thế nào là rất quan trọng. Thêm vào đó, thực hành cho ăn đúng cách cũng cần thiết đối với việc điều chỉnh chất lượng nước. Như ông Jesper đã chỉ ra, cho ăn quá liều lượng thường dẫn đến thức ăn dư thừa, tồn đọng trong nước, khiến cho cường độ amoniac tăng lên, gây độc hại cho cá. Khi cá và tôm bắt đầu có những biểu hiện bệnh, người chăn nuôi thỉnh thoảng sử dụng thuốc kháng sinh để ngăn chặn sự phát bệnh. Ông Jesper nói: “Như vậy nếu chúng ta cung cấp nguồn thức ăn chất lượng và giúp họ quản lý nguồn nước, chúng ta có thể giảm bớt việc sử dụng kháng sinh.”

Hơn nữa, việc cho ăn nên có chừng mực. “Nếu bạn biết cá sắp trải qua giai đoạn căng thẳng, ví dụ như dưới thời tiết lạnh hoặc nóng, trong quá trình vận chuyển từ trại giống đến nơi nuôi trồng, bạn có thể cung cấp dinh dưỡng và bổ sung chất tăng cường miễn dịch hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả. Bằng cách đó, chúng sẽ khỏe mạnh cho đến khi giai đoạn căng thẳng kết thúc và giảm nguy cơ tử vong.” Sự phức tạp trong chăm sóc sức khỏe của cá là lý do tại sao De Heus thành lập thêm các Trung tâm Ứng dụng Nuôi trồng Thủy sản cho các thị trường lớn của mình. Người nuôi có thể gặp gỡ tại Trung tâm để được hướng dẫn thực hành cho ăn đúng cách và vệ sinh. Ông Jesper nói đùa: “Nghe hết 50 trang thuyết trình đối với nhân viên văn phòng còn khó, huống hồ là người chăn nuôi. Họ sẽ ngủ ngay mất. Vì vậy, sẽ hay và hiệu quả hơn nếu chúng ta có thể mời một nhóm nhỏ gồm những người nuôi giỏi tới trung tâm và chia sẻ với họ ý tưởng về công nghệ mới như xử lý nước hoặc thực hành cho ăn.”