Dịch Tả Heo Châu Phi (ASF) Cùng Một Số Triệu Chứng Cần Lưu Ý
Thời gian vừa qua, dịch tả heo châu Phi (ASF) đã khiến ngành lợn của Việt Nam nói riêng và trên toàn Thế Giới nói chung điêu đứng với những con số thiệt hại chưa từng có, ảnh hưởng đến an ninh thực phẩm, kinh tế, xã hội và môi trường. ASF bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 2 năm 2019,đến này đã lan rộng trên hầu hết 63 tỉnh, thành trên cả nước, nhiều cơ sở chăn nuôi phải đóng cửa. Dịch bệnh này đang trở thành mối lo ngại rất lớn đối với người chăn nuôi và cả người tiêu dùng.
Đến thời điểm hiện tại, ASF vẫn chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh, virus có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường, có sức đề kháng cao, đường truyền lây rất đa dạng, khó kiểm soát, chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, mật độ cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Do vậy, thời gian tới, nguy cơ phát sinh của ASF tiếp tục có thể lây lan nhanh đến những địa bàn chưa có dịch, những nơi tái phát từ các nơi có ổ dịch cũ, hoặc xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung…Bà con chăn nuôi cần hiểu rõ những dấu hiệu và một số triệu chứng heo bị dịch tả lợn châu Phi để có những biện pháp xử lí kịp thời và cần thiết, tránh gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở chăn nuôi của mình.
Một số triệu chứng thường thấy khi heo mắc dịch tả Châu Phi (ASF)
Heo tất cả các độ tuổi đều có khẳ năng mắc ASF, những heo khỏe mạnh nếu được tách những đàn heo đã nhiệm bệnh sớm và kịp thời thì mới có khả năng sống sót. Dưới đây là một số triệu chứng để bà con có thể dễ nhận biết được heo đang bị nhiễm dịch tả châu Phi, từ đó có thể kịp thời tách đàn cho những heo khỏe mạnh:
- Dấu hiệu đầu tiên dễ dàng nhận thấy nhất là heo có hiện tượng sốt cao 41 – 420 C
- Bắt đầu có dấu hiệu chán ăn và bỏ ăn
- Heo mệt mỏi, lười vận động,,ủ rũ, mắt lờ đờ, suy sụp, ưa nằm một chỗ, thường nằm chồng đống.
- Chết đột ngột (nếu nhiễm chủng độc lực cao có thể chết 100 %), xác heo chết cứng rất nhanh. Những heo chết trong thời gian đầu thường trông khỏe mạnh không khác gì heo bình thường
- Sảy thai (ở mọi giai đoạn của thai kỳ).
- Ói mửa và/hoặc tiêu chảy (có thể có máu).
- Các đốm xuất huyết và hoại tử trên da, thâm tím da sau khi chết.
- Heo ho, thở khó, nhịp tim nhanh, nhịp thở tăng, thở gấp.
- Đổ ghèn ở mắt, mủ chảy ra ở lỗ mũi, có máu chảy ra từ mũi và miệng, phân lẫn máu
- Dáng đi xiêu vẹo, không vững, liệt chân, sung huyết đỏ ở các chân
Các triệu chứng trên sẽ được phát hiện từ ngày thứ 3 – 19 sau khi heo nhiễm virus ASF, tùy thuộc độc lực của virus, đường lây nhiễm và sức khỏe của heo
Lưu ý khi chuẩn đoán bệnh ASF
Các bệnh tích thường thấy ở heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Tim: tràn dịch, xuất huyết màng trong và ngoài tim.
- Máu: khó đông hoặc không đông.
- Phổi: phù, xuất huyết và đông đặc một phần phổi.
- Xoang bụng, xoang ngực: có nhiều dịch thẩm xuất lẫn máu.
- Dạ dày và ruột: viêm xuất huyết dạ dày ruột => viêm loét hoại tử.
- Thận: phù màng bao, xuất huyết điểm ở vỏ và tủy, có vết bầm và nhồi huyết trên bề mặt thận.
- Bàng quang: xuất huyết niêm mạc.
- Hạch bạch huyết: sưng to, đỏ tấy, chứa chất đặc sệt hoặc toàn máu.
- Lách: xuất huyết, sưng to, đỏ đậm hoặc đen, dễ vỡ, đầu lách trở nên tù.
- Gan: sưng to gấp 2 lần, có nhiều điểm xuất huyết, mép gan bị tù (dầy lên).
- Bàng quang xuất: huyết, phù niêm mạc.
- Khớp: Sưng khớp, hoại tử khớp…
Đặc biệt, những triệu chứng của dịch tả Châu Phi cực kì giống với các bệnh thường gặp ở heo như: bệnh dịch tả heo cổ điển (CSF), bệnh tai xanh (PRRS), bệnh đóng dấu son, bệnh tụ huyết trùng, bệnh phó thương hàn, bệnh viêm da sưng thận do PCV2, một số bệnh khác như: APP, Hồng lỵ…do đó việc chuẩn đoán bệnh dựa trên những triệu chứng lâm sàng có phần chưa chính xác tuyệt đối. Bà con khi phát hiện những triệu chứng heo bị dịch tả heo châu Phi kể trên cần thông báo ngay cho cơ quan thú y địa phương để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để biết kết quả một cách chính xác nhất.
Heo nái luôn có triệu chứng lâm sàng khi mắc dịch tả châu Phi trước, sau đó mới tới heo con và heo thịt (với trại hỗn hợp nuôi nhiều loại heo). Tỷ lệ chết cao ở heo nái, có trại chết đến 100% (tỷ lệ chết cao ít quan sát thấy đối với bệnh Tai xanh (PRRS) và Dịch tả heo cổ điển (CSF). Khi thấy, tỷ lệ heo nái chết cao trong đàn, bà con nên có nghi ngờ cao là heo đã bị nhiễm bệnh ASF. Nhanh chóng tiến hành xét nghiệm, kiểm tra cho cả đàn hèo. Với bệnh dịch tả Châu phi, tốc độ lây lan bệnh trong đàn khá chậm so với bệnh PRRS, FMD, CSF, PED. Nhưng cần đặc biệt lưu ý những heo sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính, có thể mang virus suốt đời, nên chúng là những vật chủ mang mầm bệnh ASF.
(Heo nái sinh sản bị nhiễm dịch tả châu Phi)
Bà con cần lưu ý một số triệu chứng của bệnh dịch tả heo châu Phi và những lưu ý quan trọng để thực hiện giám sát hàng ngày, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, các biểu hiện của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân thì báo cho chính quyền xã và Ban Chăn nuôi thú y để kiểm tra, hỗ trợ xác minh dịch bệnh.