De Heus Phối Hợp Tổ Chức Chương Trình “Xây Dựng Chuỗi Sản Xuất Thịt Gà An Toàn Dịch Bệnh Để Xuất Khẩu” Tại Đồng Nai

27 tháng 10 2023
-
3 phút

Ngày 27/10/2023, tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai, De Heus phối hợp cùng Cục Thú y, Báo tổ chức chương trình tập huấn “Xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh để xuất khẩu”.

Tham dự chương trình tập huấn có sự hiện diện lãnh đạo Cục Thú y (Bộ NN& PTNT), đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, đại diện lãnh đạo Chi cục Thú Y vùng IV, Chi cục Thú Y tỉnh Đồng Nai, đại diện các Trạm thú y các huyện, thị xã, thành phố khu vực tỉnh Đồng Nai, Lãnh đạo Công ty TNHH De Heus, Doanh nghiệp, Khách hàng trang trại chăn nuôi gà trắng công nghiệp có quy mô lớn tại tỉnh Đồng Nai.

Buổi tập huấn nhằm cụ thể hóa kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới theo kết luận và chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Hội thảo tập huấn diễn ra 1 ngày tại TP. Biên Hòa, tập trung chính vào các nội dung: Quy định của quốc tế, Quy định của Việt Nam về vùng, cơ sở An toàn dịch bệnh; Tóm tắt các yêu cầu về hồ sơ xây dựng vùng, cơ sở An toàn dịch bệnh theo các tiêu chí WOAH/OIE; Giới thiệu bộ tiêu chí đánh giá vùng, cơ sở An toàn dịch bệnh; Nguyên tắc dịch tễ học trong giám sát; Giám sát trong xây dựng vùng, cơ sở chuỗi gà An toàn dịch bệnh; Giới thiệu hệ thống xét nghiệm chuẩn đoán bệnh động vật; Lấy mẫu, bảo quản mẫu, vận chuyển mẫu về phòng thí nghiệm; Ghi chép thông tin, quản lý số liệu mẫu giám sát; Yêu cầu của quốc tế (WOAH/OIE), các nước và đề xuất các buổi tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của WOAH/OIE….

Việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật, trong đó có gia cầm của Việt Nam sang các nước còn rất khiêm tốn khi mới chỉ đạt trên 400 triệu USD/năm. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ngày càng nhiều sản phẩm động vật của các nước xuất vào Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.  “Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến nước ta chưa xuất khẩu được nhiều sản phẩm động vật là do dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại Việt Nam. Nước ta chưa phải là nước an toàn dịch bệnh, chưa có các vùng chăn nuôi đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), cũng như chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các nước nhập khẩu”, ông Phan Quang Minh Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) chia sẻ.

Nhằm đưa các sản phẩm gia cầm đến được những thị trường nhập khẩu khắt khe và cao cấp hơn, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh cần được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Và để chăn nuôi an toàn dịch bệnh thực sự phát triển, cần có hệ sinh thái về doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, nông dân và thời đại công nghệ 4.0 hiện nay cần thêm vai trò của các cơ quan truyền thông. Trong đó, các doanh nghiệp cần tiên phong và hình mẫu để các hộ chăn nuôi có động lực học tập theo, hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu.

Phát biểu tại buổi hội thảo tập huấn, Ông Johan van den Ban, Tổng giám đốc De Heus Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều điều kiện để xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm gia cầm. Lấy minh chứng từ Hà Lan, dù diện tích nhỏ và dân số cũng ở mức khiêm tốn nhưng nhiều năm nay Hà Lan giữ vững vị thế là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ).

Do đó, Việt Nam nên tiếp thu các hướng canh tác và quy hoạch, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt sẽ cho những kết quả khả quan.

“Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nên đi từ vấn đề an toàn dịch bệnh. Đây là bản lề và quy định bắt buộc WOAH đưa ra cho các sản phẩm xuất khẩu. Nếu Việt Nam chấp hành tốt việc này thì cơ hội xuất khẩu tới những thị trường khó tính là điều dễ dàng”, ông Johan van den Ban kỳ vọng.

Theo nhận định của ông Johan van den Ban, với khả năng chăn nuôi và sự thích nghi rất nhanh của Việt Nam thì giá trị ngành chăn nuôi trong thời gian tới sẽ có nhiều tín hiệu khả quan hơn.

“Với tiềm năng vốn có, chúng tôi tin rằng, thị trường xuất khẩu sản phẩm gia cầm của Việt Nam sẽ rất rộng lớn, thậm chí còn tốt hơn cả Hà Lan” – ông Johan nói thêm

Với chiến lược phát triển kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, De Heus mang đến những giải pháp dinh dưỡng tối ưu, toàn diện cho vật nuôi; giúp người chăn nuôi Việt Nam có hiệu quả kinh tế cao nhất. Chúng tôi vẫn đã và đang nỗ lực cùng các Cơ quan của Bộ NN & PTNT, các đối tác khách hàng và trang trại liên kết chuỗi, xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh để phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Trong những năm tới, De Heus sẽ triển khai nhiều dự án nhằm tạo nên hệ sinh thái chăn nuôi bền vững và cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho người chăn nuôi thông qua các kế hoạch đầu tư lớn vào nghiên cứu, sản xuất con giống; giết mổ và chế biến. Cụ thể, De Heus dự kiến trong năm 2024 sẽ đầu tư thêm 1 nhà máy giết mổ chuyên nghiệp và 1 nhà máy ấp nở gà tại Việt Nam.