Hành trình hướng tới nuôi trồng thuỷ sản bền vững của De Heus

02 tháng 10 2024
-
5 phút

Chị Nguyễn Thu Thuỷ (Emily) - Giám đốc Phát triển Bền vững của De Heus Việt Nam và Châu Á, đã có những chia sẻ thú vị tại VIETFISH 2024. Qua đó, chị nhấn mạnh cam kết của công ty đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm, tầm quan trọng của sự hợp tác lâu dài với nông dân, các bên liên quan trong ngành và cộng đồng địa phương.

Tại Vietfish 2024, chị Thủy bày tỏ niềm vinh dự khi được chia sẻ những nỗ lực của De Heus trong việc xây dựng ngành nuôi trồng thủy sản bền vững. Đồng thời, chị gửi lời cảm ơn Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vì cơ hội tham dự sự kiện quan trọng này.

Hành trình phát triển ngành thủy sản

De Heus bắt đầu hành trình nuôi trồng thủy sản vào năm 2011 tại Vĩnh Long. Từ đó, De Heus đã mở rộng sự hiện diện khắp Việt Nam, Châu Á và Châu Phi. Đến nay, De Heus tự hào là đơn vị dẫn đầu toàn cầu trong ngành cá tra và đứng đầu trong nước về cá biển và cá nước lạnh. Các sản phẩm thức ăn chất lượng cao của công ty còn hỗ trợ các loài bản địa như cá rô phi, cá lóc và ếch, giúp bà con tiếp cận với nguồn dinh dưỡng chất lượng cao và nâng cao năng suất chăn nuôi.

Người chăn nuôi là cốt lõi của thành công

Chị Thủy khẳng định: “Sự thành công của De Heus được quyết định bởi sự thành công của người chăn nuôi”. Vì vậy, với sứ mệnh hỗ trợ người chăn nuôi và phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững – cốt lõi trong kinh doanh của De Heus – công ty cần phải hành động nhiều hơn bên cạnh việc sản xuất thức ăn chất lượng cao.

Đầu tư vào việc đổi mới và cơ sở hạ tầng

Từ năm 2011, De Heus đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản. Với sáu nhà máy sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam, các giải pháp dinh dưỡng đang ngày càng được hoàn thiện.

Các cơ sở của De Heus đều tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất, như Global GAP, BAP và ISO 22.000, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của nhiều Quý khách hàng và đối tác lớn. Nhiều khách hàng nuôi trồng thủy sản ở những vùng sâu vùng xa, nhưng De Heus vẫn nỗ lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ tận nơi nhằm đưa ra các giải pháp và tư vấn phù hợp. Hơn cả, dịch vụ được khách hàng yêu thích là phòng thí nghiệm di động của De Heus - giải pháp giúp các trang trại chẩn đoán chính xác vấn đề về sức khỏe hoặc dịch bệnh của vật nuôi để kịp thời phòng ngừa và điều trị.

Chương trình “Responsible Feeding” và các hoạt động tại địa phương

Hành trình hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững bắt đầu từ việc định hình các ưu tiên của De Heus dựa trên các lĩnh vực mà công ty có thể tạo ra tác động lớn nhất. Chính vì lý do này, với chương trình “Responsible Feeding” của De Heus, mỗi Đơn vị Kinh doanh đều có thể phát triển các chương trình đóng góp vào các Mục tiêu chung của toàn cầu, đồng thời điều chỉnh hợp lý để đáp ứng nhu cầu của từng quốc gia.

Sử dụng năng lượng mặt trời và giải pháp về bao bì

Với cách tiếp cận này, De Heus tự hào với những sáng kiến hàng đầu đã được phát triển và tích hợp trong hoạt động kinh doanh của De Heus Việt Nam. Ví dụ như cam kết lắp đặt pin năng lượng mặt trời tại tất cả 30 cơ sở của De Heus trên toàn quốc nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thông qua giải pháp giao hàng số lượng lớn và silo, thức ăn có thể được giao đến các trang trại của khách hàng mà không cần sử dụng bao bì nhựa trên cả đường bộ và đường thủy.

Sử dụng nguyên liệu có trách nhiệm và đổi mới sản phẩm

De Heus hướng tới việc sử dụng nguyên liệu có trách nhiệm về mặt xã hội và môi trường, chẳng hạn như sử dụng bột đậu nành được trồng tại vùng đất không gây phá rừng. Công ty cũng sẵn sàng thử nghiệm các nguyên liệu mới giúp giảm tác động khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Điển hình nhất, sau nhiều nghiên cứu và thử nghiệm, De Heus đã giới thiệu sản phẩm thức ăn F3-Tom, viết tắt của “Fish-Free-Feed” cho tôm vào năm 2023. Sản phẩm sáng tạo này sử dụng bột côn trùng và dầu tảo để thay thế các axit amin truyền thống được chiết xuất từ nguyên liệu cá.

Giải quyết tình trạng kháng thuốc kháng sinh (AMR)

Ngoài ra, kháng kháng sinh là một thách thức mà De Heus cam kết sẽ giải quyết trên toàn cầu. Bằng cách thúc đẩy việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, cải thiện chất lượng nước và an toàn sinh học tại trang trại, sử dụng vắc-xin hoặc các phương pháp thay thế để bảo vệ sức khỏe vật nuôi, De Heus cung cấp các công cụ giúp nông dân sử dụng kháng sinh một cách hợp lý và vẫn đạt được hiệu quả tối ưu và kết quả kinh doanh mong muốn.

Hỗ trợ cộng đồng địa phương

Là một công ty gia đình, De Heus tin tưởng vào việc hỗ trợ cộng đồng tại địa phương. Điều này bao gồm việc đối phó với các thách thức lâu dài như thích ứng với tình trạng nhiễm mặn và cung cấp viện trợ khẩn cấp trong các cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như phân phát hàng hóa thiết yếu cho những người ở khu vực bị ảnh hưởng. Đối với De Heus, cộng đồng địa phương cũng là một phần của đại gia đình mình.

Tương lai của ngành thủy sản

“Nuôi trồng thủy sản giúp cung cấp nguồn protein bền vững cho chúng ta, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện nhận thức toàn cầu về các sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Bằng cách hợp lực, chúng ta có thể xây dựng một ngành thuỷ sản bền vững hơn, nâng cao hiệu quả và mang lại các giải pháp tốt hơn cho người chăn nuôi. Cùng nhau, chúng ta hãy tiếp tục thúc đẩy sự cải tiến và nâng cao tiêu chuẩn của ngành lên tầm quốc tế." – Chị Thủy kết luận.