Người Chăn Nuôi: Người Bảo Tồn Hệ Sinh Thái Tự Nhiên
Trong nhiều thế kỷ, chăn nuôi gia súc theo lối quảng canh đã tạo nên sự hình thành hệ sinh thái độc đáo ở khu vực phía Tây Tây Ban Nha. Hiện nay vùng nông thôn phía Tây Tây Ban Nha đang đứng trước nguy cơ bị bỏ hoang bởi rất nhiều bạn trẻ không tìm thấy được cơ hội phát triển nghề nghiệp ở khu vực này. Đứng trước việc thiếu người kế nghiệp, nhiều người chăn nuôi lớn tuổi cuối cùng cũng dần từ bỏ kinh doanh. Và với việc gia súc ăn cỏ biến mất, sự cân bằng của hệ sinh thái đồng cỏ đang bị đe dọa nghiêm trọng. Một nhóm các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về nông nghiệp và người chăn nuôi địa phương đang thực hiện sứ mệnh hồi sinh nghề chăn nuôi quảng canh. Dẫn đầu những nỗ lực của De Heus trong sáng kiến này là ông Jesús Carrizo, Giám đốc Kỹ thuật tại De Heus Tây Ban Nha.
Ông Jesús cho biết: “Khu vực phía Tây của Tây Ban Nha là một trong những khu vực đồng cỏ tự nhiên lớn nhất ở châu Âu, là môi trường sống của nhiều loài thực vật và chim cần được bảo vệ. Những đồng cỏ này có được sự đa dạng sinh học nhờ vào ngành chăn nuôi quảng canh, bởi động vật ăn cỏ giúp bảo vệ nhiều loại thảo mộc có hoa, cây bụi, côn trùng, chim và các động vật nhỏ khác.”
Trong những năm gần đây, hệ sinh thái này đã phải chịu áp lực nghiêm trọng. Những khu vực nông thôn ở phía Tây Tây Ban Nha, chẳng hạn như Castilla y León và Extremadura, ngày càng bị những người trẻ tuổi bỏ rơi do họ lên thành phố để tìm kiếm việc làm. Nhiều ngôi làng ngày càng trở nên hoang vắng vì không đem lại cơ hội cho người trẻ, trong khi những người chăn nuôi ở lại ngày càng già đi. Dần dần, nhiều người chăn nuôi đã từ bỏ sản xuất. Gia súc ăn cỏ không còn, sự cân bằng vốn đã mong manh của hệ sinh thái đồng cỏ có nguy cơ bị phá vỡ - ông Jesús giải thích. “Các đồng cỏ đang phát triển quá mức, cây cối dày đặc, đe dọa sự đa dạng sinh học và gia tăng nguy cơ cháy rừng.”
Chương trình phát triển bền vững
Nuôi dưỡng cộng đồng và phát triển cơ hội
Cùng với các hợp tác xã, các cơ quan nhà nước, Công ty công nghệ nông nghiệp và trường đại học Salamanca, De Heus Tây Ban Nha đã ra mắt dự án Vacusos. “Mục đích chung là cung cấp một bài toán kinh doanh hấp dẫn hơn cho người chăn nuôi. Giải pháp này sẽ giúp đảm bảo tính liên tục của việc chăn nuôi gia súc bền vững, giúp bảo tồn hệ sinh thái đồng cỏ,” ông Jesús nói. “Đặc biệt hơn, dự án có mục tiêu hạ giá thành sản phẩm và tăng năng suất đàn gia súc.” Dự án là một phần của Chương trình Phát triển Nông thôn Quốc gia 2014 - 2020. 80% nguồn vốn đến từ Quỹ Nông nghiệp châu Âu cho Phát triển Nông thôn (EAFRD) và 20% từ Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Thực phẩm Tây Ban Nha.
Là một phần quan trọng của dự án, ông Jesús và nhóm của ông xem xét cách vỗ béo gia súc hiệu quả để có thể thúc đẩy thu nhập của người chăn nuôi. “Hiện tại, nhiều người chăn nuôi bán gia súc của họ trước khi chúng được vỗ béo, bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để tạo thêm thu nhập. Hầu hết là do người nuôi do dự đầu tư hoặc e ngại
các rủi ro của việc vỗ béo gia súc.”
Chuyển đổi trang trại thành các "phòng thí nghiệm" thực địa
Để giúp người chăn nuôi áp dụng các phương pháp vỗ béo hiệu quả, các nhà nghiên cứu xem xét một số lựa chọn để cung cấp giải pháp thức ăn hợp lý, lành mạnh và bền vững. “Đầu tiên, chúng tôi đang xem xét việc thay thế rơm với cỏ khô. Trong khi rơm phải được mua ngoài trang trại, cỏ khô có sẵn trong trang trại và hầu như không có phí phát sinh. Vì vậy, thay thế rơm bằng cỏ khô có thể giúp giảm chi phí vỗ béo.”
Ngoài ra, De Heus đang xem xét việc giảm lượng đạm trong thức ăn. Giải pháp bền vững này có thể giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và phúc lợi động vật, đồng thời giảm phát thải nitơ. Người chăn nuôi địa phương đóng một vai trò quan trọng trong dự án bởi họ cho phép sử dụng trang trại của họ làm một “phòng thí nghiệm” thực địa. “Nhóm của chúng tôi lắp đặt các thiết bị cần thiết (chẳng hạn như cân trọng lượng và cảm biến), thu thập dữ liệu và thực hiện các phân tích, và chúng tôi đánh giá các nghiên cứu cùng với các đối tác dự án khác rồi trình bày kết quả cho người chăn nuôi,” ông Jesús nói.
“Chúng tôi muốn đem đến một góc nhìn rộng hơn cho thế hệ kế tiếp.”
Kết quả đầy hứa hẹn mới chỉ là bắt đầu
Dự án Vacusos bắt đầu vào năm 2019 và được mong đợi sẽ hoàn thành vào tháng 6 năm 2021. Các kết quả ban đầu của dự án là vô cùng khả quan. “Các thử nghiệm thay thế cỏ khô cho thấy nhiều tiềm năng giảm chi phí mà vẫn duy trì năng suất.”
Gần đây, nhóm nghiên cứu đã tổ chức một buổi hội thảo để trình bày rộng rãi những thử nghiệm này cho người chăn nuôi gia súc. Do ảnh hưởng của Covid-19, sự kiện được thực hiện trực tuyến. “Chúng tôi đã lo lắng rằng sẽ không có nhiều người chăn nuôi gia súc tham dự một cuộc hội thảo trực tuyến, nhưng rồi hoàn toàn bất ngờ bởi số lượng người đồng ý tham gia,” ông Jesús vui vẻ nói. “Hàng trăm người chăn nuôi đã tham dự hội thảo, điều này cho thấy kết quả của dự án Vacusos phù hợp với những gì người chăn nuôi gia súc trông đợi được biết.”
Trong những tháng tới, đội ngũ của ông Jesús ở Tây Ban Nha sẽ chịu trách nhiệm hoàn thành dự án Vacusos. “Chúng tôi kỳ vọng rằng kết quả của dự án này sẽ thúc đẩy việc áp dụng các phương pháp vỗ béo và cho thấy bài toán kinh doanh tốt khi thực hiện chăn nuôi gia súc quảng canh ở phía Tây Tây Ban Nha.” Ngay khi dự án kết thúc, De Heus vẫn sẽ tiếp tục làm việc cùng với những người chăn nuôi gia súc và cộng đồng ở đó. “Chúng tôi muốn đem đến một góc nhìn rộng hơn cho thế hệ kế tiếp của người chăn nuôi gia súc theo lối quảng canh và giúp bảo hệ sinh thái độc đáo của các đồng cỏ.”